Sẽ là quá sớm để nói về những kết quả của dự án điện gió đầu tiên được thực hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hẳn sẽ không ít người cảm thấy thú vị khi tưởng tượng ra hình ảnh những cánh đồng tuabin gió quay tít bên cạnh những ruộng lúa bạt ngàn tại “vựa lúa” lớn nhất cả nước này…
Biến tiềm năng lớn…
Là một nước nhiệt đới gió mùa, bờ biển trải dài, Việt Nam đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn năng lượng sơ cấp và tái tạo phong phú. Kinh tế phát triển đã và đang đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên từng ngày. Để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, đặc biệt trong hoàn cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, hướng đi mới mà nước ta đã và đang hướng tới là đưa vào khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới.
Trên thế giới, các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng được ưa chuộng sử dụng, đặc biệt là năng lượng gió với đặc điểm chi phí tương đối rẻ hơn so với các nguồn năng lượng khác và diện tích xây dựng không quá rộng. Khác với các công trình thủy điện hay nhiệt điện than cần diện tích khổng lồ, điện gió đơn giản và gọn nhẹ hơn với những tuabin đặt giữa bãi đất trống, giữa cánh đồng hay bất cứ một vị trí nào có thể “đón gió” được.
Tại Việt Nam, mặc dù tiềm năng điện gió được đánh giá tương đối lớn (theo chương trình điều tra Năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ở Việt Nam vào khoảng 513.360 MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La). Tuy nhiên do yếu tố giá thành suất đầu tư, cộng với mức giá điện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nên các dự án điện từ các nguồn tái tạo tại Việt Nam hiện vẫn dừng ở mức các dự án nhỏ lẻ hoặc các dự án trọng điểm do nhà nước đầu tư, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án từ các nguồn này vẫn là điều hết sức khó khăn. Các dự án điện gió hiện vẫn chỉ được đếm trên đầu ngón tay với công suất như “muối bỏ bể” so với nhu cầu sử dụng điện khổng lồ của nước ta.
…thành điện
Trước những khó khăn như vậy, đã có những DN đi tắt đón đầu việc phát triển các dự án điện gió bằng cách chủ động thực hiện các dự án điện để bán cho lưới điện quốc gia, trở thành một “điểm sáng” trên bức tranh ngành điện Việt Nam. Đi đầu trong số đó là Công ty TNHH xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý với dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Chia sẻ về dự án điện gió đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Tô Hoài Dân – Chủ tịch hội đồng thành viên công ty cho biết: “Dự án được phê duyệt xuất phát từ mục tiêu muốn tự xây dựng, quản lý một nhà máy điện độc lập để bán điện cho nhà nước, bên cạnh đó kết hợp với các dự án du lịch sinh thái và nuôi trồng lâm – thủy sản. Ngoài ra, dự án còn nhằm giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của nền kinh tế và giải quyết một phần công ăn việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất và tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Bạc Liêu”.
Nằm cách TP.HCM 200km về phía Tây Nam, trang trại Nhà máy điện gió Bạc Liêu được xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất 99MW, bao gồm 66 tuabin gió có công suất 1,5MW/tuabin được đặt dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng; 1 trạm biến áp 22/110kV-2 x 60MVA và đường dây 110kV với 2 mạch dài để đấu nối với lưới điện quốc gia.
Thiết bị cho nhà máy điện gió Bạc Liêu là thiết bị tiên tiến hoàn toàn được nhập khẩu từ Mỹ. Để chuẩn bị những bước đầu tiên cho xây dựng nhà máy, mới đây, 10 tuabin gió đầu tiên đã được Tập đoàn GE (Mỹ) cung cấp cho Công ty TNHH thương mại và du lịch Công Lý. Theo các chuyên gia của GE, các tuabin gió lần này có rotor cánh quạt dài 82,5m rất phù hợp với chế độ gió cấp III tại Bạc Liêu. Đây là loại tuabin gió có công suất đạt mức megawatt được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện với hơn 16.000 chiếc được sử dụng trên toàn thế giới.
Sẽ là quá sớm để nói về những hiệu quả mà dự án này mang lại. Nhưng có thể khẳng định đây là một bước quan trọng trong việc đặt nền móng cho việc hút DN tư nhân đầu tư vào ngành điện nói chung và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo nói riêng. Minh chứng của việc này là mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn EAB (Đức) và Công ty CP thương mại sản xuất và dịch vụ tổng hợp Trasesco đã phối hợp thực hiện dự án đầu tư năng lượng gió tại Duyên Hải – Trà Vinh với 20 tổ máy, tổng công suất 30MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm trên nền diện tích 420ha. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đặc biệt là trong hoàn cảnh các dự án điện đang “khát” vốn đầu tư như hiện nay.
Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió. Trong tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ở mức 5,6% vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hút đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới./.
Tổng đầu tư dự án điện gió Bạc Liêu là trên 4.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và các nguồn huy động khác là 15%; Nguồn vốn vay là 85% (trong đó 85% dành cho chi phí thiết bị được vay từ nước ngoài; 15% chi phí thiết bị và các chi phí khác được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Dự án có tổng diện tích gần 500ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2013.
Bình luận